Đau mắt đỏ: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị
Lượt xem: 3769
Hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang là diễn biến phức tạp tại địa bàn thành phố Sơn La, Bệnh viện Mắt xin gửi tới người dân trên địa bàn những thông tin cơ bản của bệnh để mọi người cùng biết, để có cách phòng tránh và điều trị đúng cách.

 

 

 


Hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang là diễn biến phức tạp tại địa bàn thành phố Sơn La, Bệnh viện Mắt xin gửi tới người dân trên địa bàn những thông tin cơ bản của bệnh để mọi người cùng biết, để có cách phòng tránh và điều trị đúng cách.

Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Đau mắt đỏ trong y khoa còn có tên là viêm kết mạc, bệnh xảy ra khi lớp màng trong suốt bên trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng của mắt) cùng với kết mạc mi bị viêm nhiễm do một nguyên nhân nào đó. Khi bị bệnh, các mạch máu nông của kết mạc bị giãn nở bất thường gây ra tình trạng cương tụ, phù nề ở kết mạc và đi kèm với xuất tiết nhiều gây khó chịu cho người bệnh.

Đối tượng mắc bệnh

Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi từ trẻ em, người trưởng thành cho đến người cao tuổi. Bệnh rất dễ lây lan cho người khác. Đau mắt đỏ xảy ra quanh năm, nó có khả năng lan rộng ra thành dịch lớn, đặc biệt là ở thời điểm từ mùa hè cho đến cuối mùa thu.

Mức độ nguy hiểm của bệnh

Bệnh đau mắt đỏ thường không nguy hiểm, không gây biến chứng về sau, có thể tự khỏi, người bệnh cần phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm. Mặt khác, cơ thể chúng ta lại không thể sản sinh ra miễn dịch trọn đời với đau mắt đỏ nên bệnh có thể tái phát lại nhiều lần ở một người.

Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, khi phát hiện các dấu hiệu của đau mắt đỏ nên đến gặp bác sĩ để khám mắt, xác định nguyên nhân để có biện pháp điều trị kịp thời, phù hợp giúp bệnh mau khỏi. Ở một số ít trường hợp tự xử lý tại nhà sai cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở mắt như: Viêm, loét giác mạc...

Triệu chứng phổ biến của bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ có thể được cấu thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và mỗi một tác nhân gây bệnh lại có những triệu chứng khác nhau. Nhìn chung, dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh này khi khởi phát là mắt đỏ và nhiều ghèn. Cụ thể:

Đỏ mắt: Triệu chứng này xuất hiện do cương tụ mạch máu ở lớp nông kết mạc. Mắt nổi gân đỏ nhiều nhất ở kết mạc mi và giảm dần đến kết mạc của nhãn cầu và thường được gọi là cương tụ ngoại vi.

anh tin bai

 

Ghèn mắt: Hay còn được gọi là gỉ mắt, được kết thành bởi chất nhầy và xác của vi khuẩn cùng với các tế bào biểu mô bị bong rụng và kết đọng lại. Ghèn mắt lúc này sẽ đóng lại thành từng cục, từng đám, đặc quánh và dính chặt vào chân lông mi của người bệnh hoặc đọng lại nơi khóe mắt.

 
anh tin bai

Ngứa, nhức mắt: Bệnh nhân lúc này sẽ cảm thấy trong mắt như có dị vật, cộm, nóng và rát.

Nhạy cảm với ánh sáng: Gặp ánh sáng bệnh nhân có thể thấy chói, khó nhìn, sợ ánh sáng.

Chảy nước mắt: Người bệnh có thể chảy nước mắt không kiểm soát.

Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng có thể giúp phần nào phân biệt được các tác nhân gây ra tình trạng khó chịu này ở mắt. Trong đó có 3 nguyên nhân chính thường gặp phải là: Đau mắt đỏ do virus, vi khuẩn và do dị ứng mắt.

Mỗi nguyên nhân gây bệnh lại có những biểu hiện lâm sàng và mức độ nguy hiểm khác nhau. Cụ thể:

1. Do Virus

Đau mắt đỏ do virus thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các triệu chứng đỏ mắt, ghèn, chảy nước mắt, cộm, ngứa khó chịu. Bệnh do virus gây ra nên rất dễ lây lan khi người bình thường vô tình tiếp xúc với nước mắt của người bệnh hoặc khi nói chuyện họ vô tình ho, hắt hơi cũng có nguy cơ lây nhiễm cao.

2. Do vi khuẩn

Các loại vi khuẩn thường gây ra tình trạng đau mắt đỏ như: Influenzae, Haemophilus, Staphylococcus... Chúng có thể gây ra các thương tổn nặng nề cho mắt nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời. Dấu hiệu đặc trưng giúp nhận biết đau mắt đỏ do vi khuẩn thường dựa vào màu sắc của ghèn mắt sẽ là màu vàng xanh nhạt hoặc màu vàng xuất hiện nhiều vào buổi sáng sau khi thức giấc gây dính chặt 2 mi mắt với nhau.

Một số biểu hiện đi kèm khác như: Ngứa mắt, chảy nước mắt nhiều... Khi bệnh chuyển nặng có thể gây ra tình trạng viêm loét giác mạc, thị lực suy giảm không thể hồi phục. Bệnh chủ yếu lây qua dịch tiết nước mắt của người bệnh hoặc bất cứ vật dụng nào có dính dịch tiết mắt của họ.

3. Do dị ứng mắt

Những người có cơ địa dễ bị dị ứng, nhạy cảm với những dị nguyên tưởng chừng vô hại như: Phấn hoa, lông chó, mèo, bụi bẩn, mỹ phẩm, thức ăn... gây ra tình trạng ngứa ngáy, sưng, đỏ, rỉ ở mắt... Bệnh thường xảy ra theo mùa, kéo dài và rất dễ tái phát cho đến khi người bệnh tránh xa các tác nhân gây dị ứng. Dị ứng mắt gây viêm kết mạc thường không lây và sẽ bị ở cả 2 mắt.

Đau mắt đỏ có thể bị lây như nào?

Người bệnh đau mắt đỏ thường nên tự cách ly y tế tại nhà vì khả năng lây lan cho người khác khi tiếp xúc rất cao. Vậy đau mắt đỏ lây qua đường nào? Bệnh có thể bị lây nhiễm khi chúng ta:

- Vô tình tiếp xúc với dịch người bệnh tiết ra khi họ giao tiếp với chúng ta hoặc khi họ ho, hắt hơi.

- Khi ta chạm tay vào những đồ dùng các nhân có dính dịch tiết của người bệnh như: Bàn chải đánh răng, khăn mặt, gối nằm, chìa khóa, tay nắm cửa, điện thoại...

- Thói quen mà nhiều người mắc phải là dụi tay, đưa tay lên mắt có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh.

- Khi dùng kính áp tròng sai cách có thể khiến bạn bị nhiễm bệnh.

- Khi bạn dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, bị nhiễm bệnh như: Bể bơi, ao hồ... mà trước đó có những người bị bệnh xuống tắm.

Đặc biệt, tốc độ lây lan của bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng cực kỳ nhanh, vì vậy những địa điểm công cộng hay những nơi có mật độ dân cư cao thường tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành đại dịch.

Cách trị bệnh đau mắt đỏ

Đa phần bệnh lý đau mắt đỏ thường là lành tính, bệnh nhân có thể tự theo dõi tình trạng tại nhà. Nếu nguyên nhân gây bệnh do virus thông thường thì bệnh sẽ thuyên giảm dần và có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Nếu tình trạng khó chịu ở mắt kéo dài, không thuyên giảm, thậm chí gia tăng cấp độ nặng, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho mắt.

Khắc phục tại nhà

Khi phát hiện các dấu hiệu của đau mắt đỏ bạn nên tự cách ly ở một phòng riêng, ăn uống, sinh hoạt tách biệt với người thân. Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế để mắt phải điều tiết nhiều khiến bệnh lý gia tăng cấp độ nặng. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản sau để giúp thuyên giảm tình trạng khó chịu ở mắt như:

Rửa sạch mặt và tay: Dùng nước sạch để vệ sinh mặt và mắt thường xuyên sẽ giúp bạn dịu bớt cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Rửa tay sạch sẽ thường xuyên để phòng tránh nguy cơ không may đưa tay bẩn lên mắt khiến bệnh diễn biến nặng hơn.

Chườm lạnh: Dùng một chiếc khăn sạch bọc vài cục đá hoặc nhúng qua nước lạnh sau đó đắp lên mặt sẽ giúp bạn giảm sưng, ngứa ngáy ở mắt.

Dùng đồ riêng: Không dùng chung, bát, cốc uống nước, khăn mặt... với người khác để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Không đi bơi: Nên tránh để nước bẩn, không đảm bảo vệ sinh rơi vào mắt trong khoảng thời gian này, đặc biệt không đưa tay dụi mắt.

Bệnh nhân bị đau mắt đỏ có thể chườm lạnh giúp giảm triệu chứng khó chịu

Điều trị bởi chuyên gia

Nếu các triệu chứng của đau mắt đỏ gia tăng cấp độ nặng theo thời gian, áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà không thấy thuyên giảm, lúc này người bệnh cần tới cơ sở y tế chuyên khoa mắt để thăm khám, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời để ngăn chặn biến chứng nặng xảy ra ở mắt.

Cần lưu ý “mắt đỏ” là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý tại mắt chứ không phải cứ bị “mắt đỏ” là bị bệnh “đau mắt đỏ” do đó việc khám tại cơ sở khám chữa bệnh mắt có các trang thiết bị chuyên khoa sẽ hạn chế việc thiếu sót trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt.

Phòng bệnh:

Đau mắt đỏ hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả khi bạn ghi nhớ một số biện pháp sau đây:

Giữ gìn thói quen vệ sinh mắt sạch sẽ hàng ngày bằng nước muối sinh lý 0.9%.

Tuyệt đối không dùng chung khăn mặt với người khác.

Đeo kính và khẩu trang khi ra ngoài để bảo vệ mắt tránh khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường. Nhiều người vẫn băn khoăn không biết bị đau mắt đỏ đeo kính gì? Các chuyên gia nhãn khoa thường khuyên người bệnh nên đeo kính râm để bảo vệ mắt và giữ thẩm mỹ.

Cẩn thận khi tắm gội, tránh để các hóa chất như dầu gội, sữa tắm dính vào mắt.

Thiết lập chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho mắt như vitamin cùng khoáng chất có nhiều trong các loại rau, quả.

Đi bơi nên chọn những nơi đảm bảo vệ sinh, an toàn, đeo kính chắn nước. Sau khi bơi cần vệ sinh mắt sạch sẽ.

Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hàng ngày để đẩy lùi tác nhân gây bệnh.

Duy trì thói quen khám mắt định kỳ hàng năm là cách tốt nhất giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt bạn cũng như tầm soát sớm các bệnh về mắt để có phương pháp điều trị kịp thời, phù hợp, hạn chế biến chứng nguy hiểm gây tổn hại thị lực.

Đau mắt đỏ có thể phòng ngừa hiệu quả

Trên đây là những thông tin về bệnh đau mắt đỏ, tuy không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng bệnh lý này cần được điều trị sớm và đúng cách để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

                                                                                                                                                          Bệnh viện Mắt Sơn La

 

Vì cộng đồng     |    EHIB     |     INDembassy
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

 WEBSITE QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH TÁC NGHIỆP NGÀNH Y TẾ SƠN LA 
Địa chỉ liên lạc: Đường Vũ Xuân Thiều - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La 
- Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 28/7/2017 ;  05/GP-TTĐT ngày 18/6/2021 
Chịu trách nhiệm xuất bản:Trần Đắc Thắng - Giám đốc Sở
Điện thoại văn phòng: 02123 852245 - Điện thoại kỹ thuật: 02123 852741 -  email: syt@sonla.gov.vn
                                                                     Bản quyền thuộc Sở Y tế Tỉnh Sơn La                                                                               

Thiết kế website bởi VNPT|

 Chung nhan Tin Nhiem Mang