Các bà mẹ cần biết cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm vắc xin để đảm bảo an toàn tiêm chủng
Lượt xem: 820

 

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính đến ngày 21/10/2020 đã ghi nhận 12 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. Gần đây nhất, ngày 12/10 có 01 cháu bé có phản ứng phản vệ dẫn đến tử vong sau tiêm chủng vắc xin ComBE Five và uống vắc-xin OPV tại Trạm Y tế xã Chiềng Xôm, TP Sơn La. Trước khi tiêm, trẻ đã được khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng theo đúng các quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế. Hơn 3 giờ sau tiêm chủng, trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở…Mặc dù đã được cán bộ Trạm Y tế xử trí cấp cứu và đưa ngay đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu, nhưng cuối cùng cháu bé vẫn tử vong. Kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế ngày 14/10/2020 về nguyên nhân gây tử vong: Phản vệ độ IV không hồi phục với vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five), loại trừ nguyên nhân do chất lượng vắc xin và thực hành tiêm chủng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tập huấn tiêm vắc xin ComBE Five cho cán bộ chuyên trách tiêm chủng tại các TTYT, Trạm Y tế

Cũng trong đợt tiêm chủng tháng 10/2020, tính đến 21/10 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã sử dụng 2.230 liều vắc-xin ComBE Five. Ngoài trường hợp tai biến nêu trên, còn ghi nhận thêm một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng với các biểu hiện: sốt, tím tái, quấy khóc, bú kém… Các trường hợp trên đã được xử lý ban đầu tại Trạm y tế, chuyển theo dõi tại bệnh viện, hiện tại sức khỏe các trẻ ổn định và ra viện.

Khi sự việc xảy ra, đã có rất nhiều trang báo, mạng xã hội đưa tin gây hoang mang dư luận, nhiều gia đình quan ngại về chất lượng vắc xin và quy trình tiêm chủng, gây tư tưởng lo sợ cho con em đi tiêm chủng các mũi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm chủng phòng bệnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng chống và thanh toán các dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là với trẻ em. Do đó khi chưa có kết luận chính xác, người dân không nên quá hoang mang với những thông tin chưa được kiểm chứng, không chính thống. Các gia đình hãy chọn lọc thông tin một cách sáng suốt, đừng làm con trẻ đánh mất cơ hội được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Cho trẻ tiêm chủng đủ mũi và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh tốt nhất

Tuy nhiên một khâu rất quan trọng là việc theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm  tại nhà. Các bà mẹ phải là người đầu tiên phát hiện những dấu hiệu bất thường, những triệu chứng sớm nhất của phản ứng phản vệ sau tiêm chủng để kịp thời liên lạc, đưa trẻ đến Trạm Y tế hoặc bệnh viện gần nhất. Hầu hết những trường hợp được phát hiện, xử lý phản vệ sớm đều qua khỏi và không để lại di chứng gì. Một số trường hợp gia đình phát hiện muộn, xử lý muộn khi phản vệ đã diễn biến nặng thì việc cấp cứu, điều trị rất khó khăn, thậm chí dẫn đến tử vong.

BS.CKI. Nguyễn Thị San, Trưởng khoa phòng chống bệnh Truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo: Để đảm bảo an toàn cho trẻ, các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần cung cấp thông tin trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật của trẻ để nhân viên y tế có những hướng dẫn và quyết định tiêm chủng phù hợp.

Sau khi tiêm chủng xong cần giữ trẻ lại điểm tiêm chủng để cùng cán bộ y tế theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ ít nhất 30 phút.

          Theo dõi sát trẻ trong đêm đầu tiên, tiếp tục theo dõi cẩn thận theo dõi sát trong 24-72 giờ đầu sau tiêm.

          Nếu có bất cứ lo lắng gì xin liên lạc số điện thoại của cán bộ y tế tại địa phương.

Không để trẻ ở một mình hoặc ở với người không có khả năng theo dõi chăm sóc trẻ.

Nếu phát hiện trẻ có các triệu chứng như khó thở, sốt cao liên tục trên 39 độ, bỏ bú ,nôn trớ, phát ban, nổi mẩn, dị ứng, co giật, tím tái, nổi vân tím trên da, li bì, hôn mê, quấy khóc kéo dài trên 30 phút… thì cần liên hệ và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được để cấp cứu, hỗ trợ kịp thời.

Không chủ quan, lơ là với những phản vệ sau tiêm của trẻ, không chườm, đắp, bôi các vật lạ lên chỗ tiêm, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Các gia đình nên cho con em tham gia tiêm chủng đầy đủ và đúng theo lịch, việc làm này không chỉ bảo vệ một cá nhân riêng lẻ mà cho cả cộng đồng, giúp giảm chi phí chăm sóc y tế suốt thời gian dài trong đời.

                                                                                                                                                                         Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

 

Vì cộng đồng     |    EHIB     |     INDembassy
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

 WEBSITE QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH TÁC NGHIỆP NGÀNH Y TẾ SƠN LA 
Địa chỉ liên lạc: Đường Vũ Xuân Thiều - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La 
- Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 28/7/2017 ;  05/GP-TTĐT ngày 18/6/2021 
Chịu trách nhiệm xuất bản:Trần Đắc Thắng - Giám đốc Sở
Điện thoại văn phòng: 02123 852245 - Điện thoại kỹ thuật: 02123 852741 -  email: syt@sonla.gov.vn
                                                                     Bản quyền thuộc Sở Y tế Tỉnh Sơn La                                                                               

Thiết kế website bởi VNPT|

 Chung nhan Tin Nhiem Mang