Sản xuất theo chuỗi ở hợp tác xã Hoa Quả Sơn
Lượt xem: 304
Mặc dù điều kiện sản xuất khó khăn, đường dốc cao, trơn trượt, chỉ có thể đi bộ mới tới nơi, nhưng mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc theo chuỗi của Hợp tác xã Hoa Quả Sơn, bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân.



Anh Lương Đình Quý, bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) chăm sóc vườn na Thái.

Chúng tôi leo ngược lối mòn ở sườn núi phía sau bản Ta Niết để gặp anh Lương Đình Quý, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Quả Sơn khi anh đang chăm bón vườn na Thái của gia đình. Đứng ở vườn cây ăn quả của gia đình anh Quý nhìn xuống, bản Ta Niết như một bức tranh với thung lũng xanh ngát của những vườn cây ăn quả, xen giữa là những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự bề thế.


Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, anh Quý chỉ vào những quả na Thái có vết thâm đen nói: Chỉ mấy ngày mưa to, mà na đã bắt đầu bị bọ xít hút nhựa làm thâm đen. Vì thế hôm nay, cả gia đình phải lên cắt tỉa và dùng túi bọc để giữ cho quả có mẫu mã đẹp, đảm bảo chất lượng tốt nhất tới tay người tiêu dùng.


Được biết, vườn cây ăn quả của gia đình anh Quý được trồng từ năm 2014 với những gốc na, xoài, nhãn địa phương, sau đó ghép mắt sang giống na Thái, xoài Đài Loan, nhãn Hương Chi... Đến năm 2018, vườn na bắt đầu cho thu hoạch. Vì diện tích lớn, sản lượng nhiều, anh Quý đã mang sản phẩm xuống Hà Nội giới thiệu tại một số cửa hàng để tìm đầu ra ổn định. Lúc đó, do quả na Thái to và nặng, bình quân khoảng 1 kg/quả, các chủ cửa hàng và người tiêu dùng Hà Nội đã nghi ngờ nguồn gốc xuất xứ, không phải ở Mộc Châu nên không mua. Để thuyết phục người tiêu dùng, anh Quý đã phải quay video clip cảnh chăm sóc, thu hái quả na Thái tại vườn để các chủ cửa hàng chiếu trên ti vi, lúc đó mọi người mới tin và mua sản phẩm quả na Thái của anh.



Một góc bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu).


Anh Quý bộc bạch: Cũng từ chuyến đi giới thiệu sản phẩm ở Hà Nội và từ những chính sách khuyến khích của tỉnh, chúng tôi đã quyết định thành lập Hợp tác xã Hoa Quả Sơn. Đặc biệt, trước đó có nhiều cán bộ tỉnh, huyện thường xuyên xuống xã, bản tuyên truyền chúng tôi kiến thức sản xuất nông sản an toàn; khuyến khích thành lập các hợp tác xã để xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo hàng hóa tập trung phục vụ các đơn hàng lớn, ổn định của các doanh nghiệp, siêu thị. Anh Quý nói thêm: Nhớ lại, lúc đó chỉ nghĩ đơn giản là cứ trồng, khi nào vườn cây cho thu quả sẽ mang ra chợ bán. Giờ mới nhận ra, với số lượng lớn mà chỉ bán ở chợ sẽ không tiêu thụ hết, lại bị ép giá ế ẩm, vì vậy, chỉ có thành lập hợp tác xã và có thương hiệu thì mới tiêu thụ được sản phẩm, ổn định đầu ra.


Anh Quý đã vận động được 7 hộ xung quanh thành lập Hợp tác xã Hoa Quả Sơn từ tháng 11/2018 với tổng diện tích hơn 30 ha trồng cây ăn quả, gồm: Na Thái, nhãn, xoài, thanh long ruột đỏ. Với mong muốn xây dựng thương hiệu sản phẩm, Hợp tác xã Hoa Quả Sơn đã và đang áp dụng quy trình sản xuất VietGAP; có sổ nhật ký ghi chép quy trình chăm sóc cây ăn quả; sử dụng các loại phân hữu cơ bón cây; dùng túi bọc quả để đảm bảo chất lượng sản phẩm... Hợp tác xã đang đề nghị các cơ quan chức năng huyện Mộc Châu và tỉnh Sơn La, hướng dẫn các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ tem điện tử truy suất nguồn gốc để dán lên sản phẩm. Năm 2019, gia đình anh Quý đã thu được 10 tấn xoài, với giá bán 20.000 đồng/kg tại vườn, thu nhập 200 triệu đồng. Dự kiến vườn na sẽ cho thu khoảng 30 tấn quả và được các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm thông qua Hợp tác xã Hoa Quả Sơn với giá khoảng 80.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu vui của các thành viên đã chọn hướng đi đúng khi thành lập và tham gia hợp tác xã.


Trước khi chia tay chúng tôi, anh Quý trăn trở: Hiện nay, đường lên vùng sản xuất chưa được đổ bê tông nên gia đình tôi phải nuôi 2 con ngựa để thồ phân bón và các sản phẩm quả sau thu hái. Nếu vào mùa cao điểm, gia đình tôi phải thuê thêm nhân công thu hái quả mới kịp đáp ứng các đơn hàng lớn. Chúng tôi đã có đơn đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh, huyện, xã hỗ trợ xi măng để chúng tôi làm đường bê tông lên vùng sản xuất, vì trên đó còn có hằng trăm ha đất của bà con trong bản.
                                                                                                                                           Theo BĐTSL
                             


Trước những đề nghị của Hợp tác xã Hoa Quả Sơn và bà con ở bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu), rất mong các cơ quan chức năng sớm xem xét, hướng dẫn Hợp tác xã làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu sản phẩm, cấp tem điện tử truy suất nguồn gốc và làm đường bê tông lên vùng sản xuất để thuận lợi cho chăm sóc và thu hái sản phẩm.

Vì cộng đồng     |    EHIB     |     INDembassy
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

 WEBSITE QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH TÁC NGHIỆP NGÀNH Y TẾ SƠN LA 
Địa chỉ liên lạc: Đường Vũ Xuân Thiều - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La 
- Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 28/7/2017 ;  05/GP-TTĐT ngày 18/6/2021 
Chịu trách nhiệm xuất bản:Trần Đắc Thắng - Giám đốc Sở
Điện thoại văn phòng: 02123 852245 - Điện thoại kỹ thuật: 02123 852741 -  email: syt@sonla.gov.vn
                                                                     Bản quyền thuộc Sở Y tế Tỉnh Sơn La                                                                               

Thiết kế website bởi VNPT|

 Chung nhan Tin Nhiem Mang