Phỏng vấn BSCKII. Lê Hồng Trường - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tât về cách phòng ngừa bệnh Bạch Hầu
Lượt xem: 70

 

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong những tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 18/7/2024), Việt Nam ghi nhận 06 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó, có 01 trường hợp tử vong. Để truyền tải đến cộng đồng những thông tin cơ bản và các biện pháp phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, chúng tôi đã có bài phỏng vấn BSCKII. Lê Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La.

anh tin bai


BSCKII. Lê Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La

Phóng viên: Thông tin về việc một bệnh nhân trẻ (18 tuổi) tại Nghệ An tử vong do bệnh bạch hầu và một bệnh nhân khác mắc bệnh có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong này, khiến nhiều người dân lo lắng về mức độ nguy hiểm cũng như đường lây truyền của căn bệnh. Xin bác sĩ nói rõ hơn về vấn đề này?

BSCKII Lê Hồng Trường: Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh này do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh bạch hầu thuộc nhóm B (là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và tử vong) trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường xuất hiện giả mạc (hay còn gọi là màng giả) dày, màu trắng ngà, bám chặt và lan nhanh, bao phủ vòm họng, mũi, thanh quản... Khi giả mạc lan rộng có thể gây tắc nghẽn đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Bệnh bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó, biến chứng thường gặp nhất là viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim.

Là bệnh dễ lây lan, nhưng tại Việt Nam, bệnh bạch hầu đã nằm trong chiến lược tiêm chủng vắc xin từ năm 1981 và được duy trì cho đến ngày nay. Do đó, tỷ lệ nhiễm bạch hầu trong cộng đồng rất thấp, thường xảy ra đối với các trường hợp chưa tiêm vắc xin mà có tiếp xúc với mầm bệnh. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng về căn bệnh này.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, vậy có phải những người đã tiêm vắc xin bạch hầu, thì không còn nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?

BSCKII Lê Hồng Trường: Bạch hầu là bệnh có vắc xin phòng bệnh. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu được khuyến cáo tiêm ngừa cho tất cả trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng với đủ 3 liều lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi, nhắc lại 1 lần vào 18 tháng tuổi và lần 2 vào lúc trẻ được 7 tuổi.

Khi trẻ em được tiêm vắc xin đầy đủ, có thể bảo vệ cơ thể khỏi bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả những người đã tiêm vắc xin đều không còn nguy cơ mắc bệnh này. Bởi, đối với các trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch như Lupus ban đỏ, HIV, AIDS... thì dù đã từng tiêm vắc xin bạch hầu, vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

anh tin bai


Phóng viên: Hiện nay bệnh bạch hầu đang có những diễn biến phức tạp, Bác sĩ đánh giá như thế nào về nguy cơ dịch bệnh bạch hầu trên toàn quốc và tại tỉnh Sơn La?

BSCKII Lê Hồng Trường: Sau nhiều năm triển khai chương trình Tiêm chủng mở rộng số ca mắc  bạch hầu ở nước ta đã giảm rất nhiều lần so với trước, số ca mắc khoảng từ 10-50 ca mắc/năm. Tuy nhiên, năm 2023, cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó 07 trường hợp tử vong. Năm 2024, tính đến ngày 18/7, theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận có 06 trường hợp mắc bạch hầu (Hà Giang 03 ca, Nghệ An 01 ca  và Bắc Giang 02 ca).Trong đó, có 01 trường hợp tử vong tại Kỳ Sơn, Nghệ An. Trường hợp dương tính gần nhất tại xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, bệnh nhân được xác định dương tính vào ngày 10/7/2024. Hiện tại, các ổ dịch này đang được kiểm soát tốt để không lây nhiễm thành dịch lớn.

          Tại Sơn La, trong những năm gần đây không ghi nhận ca mắc bạch hầu.Tuy nhiên, qua công tác giám sát và phân tích từ góc độ chuyên môn thời điểm này nếu chúng ta không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng ngừa chủ động thì nguy cơ bệnh bạch hầu xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh đang ở mức nguy cơ cao, vì một số nguyên nhân như sau:

          Một là: Bệnh bạch hầu là bệnh dễ lây truyền từ người bệnh sang người lành, bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu, lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

          Hai là:  Bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh, tuy nhiên, tỉnh Sơn La là tỉnh miền núi đường xá đi lại khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa, lũ, đây là thách thức và khó khăn cho công tác tiêm chủng. Ngoài ra, bà con các dân tộc ở một số vùng cao, bà con theo đạo chưa hưởng ứng công tác tiêm chủng, dẫn tới hiệu quả bảo vệ của vắc xin trong cộng đồng vẫn còn những vùng trũng, đây sẽ là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn để cho dịch bệnh có thể lây lan và bùng phát.

          Ba là: Sau thời gian tập trung ưu tiên phòng chống dịch COVID-19, đã dẫn tới thực trạng có thời điểm toàn quốc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng thiếu vắc xin cục bộ (từ cuối năm 2022 đến hết năm 2023) dẫn tới tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ các vắc xin trong 2 năm gần đây không đạt so với chỉ tiêu đã xây dựng, nguy cơ các dịch bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh bạch hầu có thể bùng phát trong thời gian tới nếu các cấp chính quyền và người dân không quyết liệt triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chủ động.

Phóng viên: Vậy để chủ động bảo vệ sức khỏe trước bệnh bạch hầu, người dân cần làm gì, thưa bác sĩ?

BSCKII Lê Hồng Trường: Mọi người dân cần chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, đặc biệt là cần đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đi tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, để đảm bảo miễn dịch, phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm thì cần tham gia tiêm chủng sau đó sớm nhất có thể. Trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng. Người lớn cũng nên tiêm vắc xin bạch hầu và tiêm nhắc lại vắc xin 10 năm/lần để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.

Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi hắt hơi

Khi ho, giữ vệ sinh thân thể,mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đồng thời đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Đây là bệnh bắt buộc phải khai báo nên khi có dấu hiệu mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh hoặc có tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính với bạch hầu thì người bệnh cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được điều trị tại nhà nhằm hạn chế việc mầm bệnh được phát tán, lây lan cho cộng đồng

Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của Bác sĩ!

 

 

 

Vì cộng đồng     |    EHIB     |     INDembassy
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

 WEBSITE QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH TÁC NGHIỆP NGÀNH Y TẾ SƠN LA 
Địa chỉ liên lạc: Đường Vũ Xuân Thiều - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La 
- Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 28/7/2017 ;  05/GP-TTĐT ngày 18/6/2021 
Chịu trách nhiệm xuất bản:Trần Đắc Thắng - Giám đốc Sở
Điện thoại văn phòng: 02123 852245 - Điện thoại kỹ thuật: 02123 852741 -  email: syt@sonla.gov.vn
                                                                     Bản quyền thuộc Sở Y tế Tỉnh Sơn La                                                                               

Thiết kế website bởi VNPT|

 Chung nhan Tin Nhiem Mang