Theo nhận định của các chuyên gia, so với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số vụ, ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Nguyên nhân là do nhiều người dân không biết cách nhận biết các loại nấm độc mọc ở quanh vườn nhà, ở rừng nên hái về ăn dẫn đến tình trạng này. Cũng liên quan đến vấn đề này. PGS.TS. Hoàng Công Minh - Trung tâm Phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân y cho biết, ở Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, các loài nấm này được người dân vùng cao thường xuyên sử dụng. Vì thế, số vụ ngộ độc chủ yếu xảy ra ở những khu vực này. PGS.TS. Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, người dân cần lưu ý: Ngay cả trong một đám nấm mọc ở rừng vẫn lẫn lộn nấm lành và nấm độc vì bào tử nấm trôi theo gió, nước và đọng lại. Do đó, người dân cần tuyệt đối không hái nấm rừng về để sử dụng, tránh bệnh vạ vì miệng.
Tại Sơn La, trong những năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, đồng bộ về các biện pháp phồng chống ngộ độc về nấm độc nhưng vẫn xảy nhiều vụ ngộ độc thực phẩm thương tâm, cướp đi tính mạng của nhiều người trong đó có các em nhỏ do ăn phải nấm độc được thu hái trong rừng. Điển hình là các vụ ngộ độc nấm xảy ra ở một số xã trên điạ bàn huyện Yên Châu, Thuận Châu, Mường La, Phù Yên, Sông Mã, Mai Sơn…Ngộ độc do ăn nấm độc thường có tỷ lệ người mắc cao, có thể cả một gia đình, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của người ăn
Ngộ độc nấm thường xảy ra vào mùa xuân - hè, thời tiết ấm, ẩm, nóng rất thuận lợi cho các loại nấm phát triển. Đây là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc hàng năm các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng. Đây cũng là vùng có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống. Theo thói quen, đồng bào vẫn thường xuyên hái lượm nấm để sử dụng làm thức ăn. Tuy nhiên, nhiều người đã không phân biệt được nấm độc và nấm lành, nên đã thu hái nhầm nấm độc về sử dụng cho cả gia đình. Vậy làm thế nào để phân biệt nấm lành và nấm độc, xin hướng dẫn cách nhận biết một số loại nấm gây chết người tại một số tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam.
Đặc điểm nhận dạng: Nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón là hai loài nấm gây chết người ở Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn. Ở nước ngoài người ta gọi hai loài nấm này là thần chết hoặc thiên thần hủy diệt. Tại Việt Nam các nhà khoa học gọi là nàng tiên giết người trong rừng.
Nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón rất giống nhau. Qua hình dáng bên ngoài khó phân biệt được.
- Nấm mọc trên mặt đất trong rừng. Toàn thân có màu trắng sữa tinh khiết.
- Mũ nấm lúc còn non hình bán cầu, sau nở ra thành hình nón hoặc trải phẳng, đường kính mũ 4 - 10 cm.
- Phiến nấm (ở mặt dưới mũ nấm) màu trắng
- Cuống nấm phình dạng củ ở chân, có bao gốc hình đài hoa, có vòng cuống dạng màng ở phía trên sát mũ nấm.
Đặc điểm tác dụng: Nấm độc trắng hình nón và nấm độc tán trắng có độc tố là Amanitin tác dụng muộn. Trung bình từ 10 - 12 giờ sau ăn nấm (nhiều khi sau 24 giờ) mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên (nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy nặng, phân lỏng toàn nước màu trắng đục). Sau đó độc tố gây hoại tử tế bào gan dẫn tới suy gan, biến chứng suy thận, phù não và tử vong. Tỷ lệ tử vong trung bình là 50%, trường hợp nặng tỷ lệ tử vong tới gần 100%.
Khi bị ngộ độc phải chuyển ngay bệnh nhân (kể cả những người cùng ăn nấm nhưng lúc đó chưa xuất hiện triệu chứng) đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu (uống và tiêm thuốc bảo vệ tế bào gan). Nếu để muộn nguy cơ tử vong rất cao.
Đặc điểm nhận dạng: Nấm mọc trên mặt đất trong rừng.
- Mũ nấm hình nón đến hình chuông, đỉnh nhọn, có các sợi tơ màu từ vàng đến nâu tỏa ra từ đỉnh mũ xuống mép mũ nấm. Khi già mép mũ nấm bị xẻ ra thành các tia riêng rẽ. Đường kính mũ 2 - 8 cm.
- Phiến nấm (mặt dưới mũ) lúc non màu hơi trắng và khi già có màu xám hoặc nâu.
- Cuống nấm: Màu từ hơi trắng đến vàng nâu, dài 3 - 9 cm, không có vòng cuống.
Đặc điểm tác dụng: Độc tố của nấm mũ khía nâu xám là muscarin có gây tác dụng nhanh. Chỉ 15 - 30 phút sau ăn nấm đã xuất hiện mắt mờ, sùi bọt mép, co thắt khí phế quản, tăng tiết đường hô hấp làm ngạt thở, suy hô hấp và có thể bị tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Vì vậy, cần gây nôn ngay tại gia đình (móc họng, uống nước muối đặc hay nước mùn thớt) và chuyển nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu muộn bệnh nhân sẽ bị ngạt thở cấp và tử vong.
Đặc điểm nhận dạng nấm ô tán trắng phiến xanh: Nấm mọc trên mặt đất ở ven chuồng trâu, chuồng bò và những nơi có phân trâu, bò.
- Mũ nấm: Lúc non hình bán cầu dài màu vàng nhạt, có vảy nhỏ màu vàng. Khi trưởng thành mũ hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, trên mũ có nhiều vảy màu vàng nâu, vàng thẫm ở đỉnh mũ. Đường kính 5-15cm.
- Phiến nấm: Lúc non màu trắng, khi già có màu hơi ánh xanh hoặc xanh xám.
- Cuống nấm: dài 10 - 30 cm, màu trắng hoặc trắng xám, có vòng cuống màu trắng.
Đặc điểm tác dụng: Nấm ô tán trắng phiến xanh là loài nấm gây rối loạn tiêu hóa.
Triệu chứng ngộ độc: Sau khi ăn nấm 30 phút - 1 giờ, bệnh nhân sẽ cảm thấy buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy nặng.
Khi bị ngộ độc cần gây nôn ngay tại gia đình và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Chi cục ATVSTP